Hậu cung phân vị Hậu cung nhà Thanh

Hoàng đế Đại Thanh cũng như mọi người đàn ông trong xã hội Mãn Thanh, đều theo thể chế thê thiếp và đưa thê thiếp vào trong khu nhà riêng, gọi là Hậu trạch. Sau khi Thanh Thánh Tổ Khang Hi Đế chế định Bát đẳng Hậu phi (八等后妃), các vị trí chính thê hay thứ thiếp trong hậu cung nhà Thanh về căn bản được chia làm các cấp bậc chính:

  • Hoàng hậu (皇后): chính thất của Hoàng đế.
  • Phi tần (妃嬪): gồm 7 bậc, hàng thê thiếp của Hoàng đế[6].

Tất cả bọn họ, bao gồm cả nhóm Tiền triều, trong Hồ sơ đời Thanh thường gọi chung là Nội đình chủ vị (內廷主位) hay Hậu cung chủ vị (後宮主位)[7], đều được các Thái giám và Cung nữ phụ trách hầu hạ. Một khi nhập cung và nhận gia phong của Hoàng đế, họ sẽ sống cả đời trong hậu cung. Theo quy định thời gian đầu của nhà Thanh, ngoài Càn Thanh cung dành cho Hoàng đế, Khôn Ninh cung dành cho Hoàng hậu, thì các nhóm phi tần đều ở 12 cung hai bên sườn của Càn Thanh cung, gồm Đông lục cungTây lục cung, gọi gộp lại là [Đông Tây lục cung; 東西六宮]. Tuy rằng về chính thức thì Hậu phi sẽ dàn trải ở Đông Tây lục cung, nhưng từ thời Khang Hi, một số Hậu phi lại ở khu vực Càn Tây ngũ sở, cho thấy việc cấp cho chỗ ở thế nào cũng tùy vào sắp xếp.

Hoàng hậu

Ảnh chụp Hoàng hậu Uyển Dung - Hoàng hậu của Tuyên Thống Đế Phổ Nghi.

Hoàng hậuchính thê của Hoàng đế, vì vậy luôn luôn chỉ có một Hoàng hậu tại vị. Trong lịch sử, Hoàng hậu nhà Thanh được lập trong các trường hợp sau:

  • Khi Hoàng đế đến tuổi lập Chính thất, tuyển con gái nhà môn đăng hộ đối theo lễ đại hôn[Chú 4].
  • Khi một Hoàng tử lên ngôi Hoàng đế, Đích Phúc tấn sẽ được lập làm Hoàng hậu[Chú 5].
  • Khi một Hoàng hậu qua đời (hoặc bị phế), Phi tần có khả năng sẽ được Hoàng đế lập làm Hoàng hậu kế vị[Chú 6].

Trong hậu cung thì Hoàng hậu là độc nhất, thân phận 「"Chủ nội trị"; 主内治」, là người trên danh nghĩa chủ trì tất cả mọi việc[8]. Theo quan niệm đa thê, Hoàng hậu là chính thê, cho nên được coi là 「Hoàng đích mẫu; 皇嫡母」 hay 「Hoàng hậu ngạch niết; 皇后額捏」[Chú 7] của tất cả các Hoàng tửHoàng nữ trong hậu cung, bất luận đó là con của phi tần nào đi nữa. Đầu nhà Thanh, Hoàng hậu sống ở Khôn Ninh cung, từ thời Ung Chính thì dọn sang một trong mười hai cung ở hậu cung. Theo quy định của triều Thanh thì một phi tần cũng được truy phong thụy hiệu Hoàng hậu nếu là 「Đế mẫu; 帝母」[Chú 8]. Trường hợp này xuất hiện rất nhiều vào thời nhà Thanh, điển hình là Hiếu Trang Văn Hoàng hậu hay cả Từ Hi Hoàng thái hậu (thụy hiệu của bà là Hiếu Khâm Hiển hoàng hậu). Cũng có hai trường hợp độc nhất vô nhị, khi không phải Hoàng hậu của Tiên Đế cũng không phải Đế mẫu của Tân Hoàng đế mà vẫn được truy phong làm Hoàng hậu, ấy là trường hợp của Đổng Ngạc phi - sủng phi của Thanh Thế TổHiếu Tĩnh Thành Hoàng hậu - dưỡng mẫu của Thanh Văn Tông.

Trong việc thờ cúng Hoàng đế cùng Hoàng hậu, thứ tự về xuất thân, ai đầu ai sau cũng rất quan trọng. Vị đầu tiên thường là nguyên phối thê tử của Hoàng đế, tức là "Người đầu tiên được cưới hỏi đàng hoàng", họ đa phần là Nguyên thú Đích Phúc tấn khi còn ở Tiềm để hay được trực tiếp cưới vào, khi ấy họ được gọi là 「Nguyên hậu; 元后」, có địa vị tôn quý trong hoàng thất, còn được gọi là Đích hậu (嫡后). Còn người được lập tiếp theo sau khi nguyên phối qua đời được gọi là 「Kế hậu; 繼后」, thứ cận là các Hoàng hậu được truy phong, tức gọi Đế mẫu.

Trong vị thứ hoàng gia, Nguyên hậu là tôn quý nhất trên thứ tự bài vị lẫn quy cách ghi chép. Khi an táng vào Địa cung cùng Hoàng đế trong Hoàng lăng, Nguyên hậu và Kế hậu tuy có thể cùng dùng ["Phụng an"; 奉安] hoặc ["An táng"; 安葬], nhưng chỉ có Nguyên hậu là có tư cách dùng chữ ["Hợp táng"; 合葬], còn nếu Kế hậu và Đế mẫu lẫn Phi tần nếu được đưa vào Địa cung trong Hoàng lăng cùng Hoàng đế thì đều dùng những từ như ["Tòng táng"; 从葬] hay ["Phụ táng"; 附葬] mà thôi, như vậy có nghĩa chỉ có Nguyên hậu là "chủ nhân", cùng Hoàng đế sánh vai, còn những người khác chỉ có ý nghĩa hầu cận. Từ thời Gia Khánh trở về sau, gia đình của Nguyên hậu có thể trực tiếp được hưởng tước hiệu ngoại thích là "Thừa Ân công" (承恩公), mà Kế hậu cùng Đế mẫu thường chỉ phong "Thừa Ân hầu" (承恩侯), chỉ truy phong tước Công khi qua đời. Địa vị bài tự trong Thái Miếu cũng cho thấy thứ tự là Nguyên hậu, rồi tới Kế hậu và Đế mẫu theo hàng phụ thờ cùng Hoàng đế. Từ thời Ung Chính, dường như để tôn vinh mẹ đẻ Hiếu Cung Nhân Hoàng hậu, Thanh Thế Tông chỉ cho Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu cùng Hiếu Cung Nhân Hoàng hậu được bày chân dung cùng với Khang Hi Hoàng đế thờ phụng trong Thọ Hoàng điện (壽皇殿) vào các dịp kị. Từ đó về sau, Thọ Hoàng điện chỉ bày vị cho Nguyên hậu cùng Đế mẫu.

Theo dòng lịch sử, triều đại nhà Thanh có 13 Hoàng đế và tổng cộng 25 Hoàng hậu[9].

Phi tần

Thục phi Văn Tú - Hoàng phi của Tuyên Thống Đế Phổ Nghi.

Phi tầnthiếp của Hoàng đế, cấp bậc đều dưới Hoàng hậu.

Các phi tần là những thị thiếp chính thức của Hoàng đế, không giống như các bậc tì thiếp không có danh phận rõ ràng, việc sắc phong của phi tần cấp cao được tổ chức long trọng dưới sự sắp xếp của Nội vụ phủ. Theo cuốn Quốc triều cung sử (国朝宫史) do Đại học sĩ Ngạc Nhĩ TháiTrương Đình Ngọc soạn thảo, phi tần được chia làm các cấp và có hạn định như sau:

  • Hoàng quý phi (皇貴妃): tối đa một người tại vị.
  • Quý phi (貴妃): tối đa hai người tại vị[Chú 9].
  • Phi (妃): tối đa bốn người được tại vị. Có phong hiệu do Nội vụ phủ cung chọn.
  • Tần (嬪): tối đa sáu người được tại vị. Có phong hiệu do Nội vụ phủ cung chọn.
  • Quý nhân (貴人): vô hạn định.
  • Thường tại (常在): vô hạn định.
  • Đáp ứng (答應): vô hạn định.

Từ vị trí "Hoàng quý phi" đến "Tần" đều được hoàng gia nhà Thanh xem là Hậu phi chính thức, mà từ "Quý nhân" trở xuống tuy có hạng ngạch riêng nhưng lại đều bị xem là những "Ngự thiếp" có địa vị thấp. Điều này biểu thị ở việc từ tước Tần trở lên đã có Lễ sách phong để cấp "Phong hiệu", có được ban áo mũ theo cấp bậc để tham dự các nghi thức đại lễ. Còn từ "Quý nhân" trở xuống không có Lễ sách phong, không có áo mũ quy định nên cũng không thể tham dự các đại lễ.

Theo quy định cũng ghi trong Quốc triều cung sử, Hoàng quý phi đến Tần vị thứ cao, giúp Hoàng hậu 「"Tá nội trị"; 佐内治」[10], có nghĩa là có thể đứng ra làm một số việc "phụ giúp" Hoàng hậu, còn từ vị trí Quý nhân trở xuống, họ chỉ có thể 「"Cần tu nội chức"; 勤修内职」, tuân thủ nghiêm ngặt cung quy[11]. Bên cạnh đó, từ Tần trở lên ngoài áo mũ thì có thể dùng một loại tùy tùng khi ra ngoài được gọi là Thải trượng (采仗), riêng bậc Quý phi và Hoàng quý phi là Nghi trượng (儀仗). Còn Hoàng hậu cùng Hoàng thái hậu có địa vị tôn quý, đoàn tùy tùng của họ cũng như Hoàng đế, được gọi là Nghi giá (儀駕). Từ Quý nhân trở xuống không được phép sử dụng.

Dù đã có định số từng tước, nhưng triều Khang HiCàn Long vẫn thường phá lệ phong vượt số lượng đã định, cụ thể như:

Từ thời Khang Hi, phi tần chính thức đã có thể có tên gọi riêng, gọi là 「Phong hiệu; 封號」. Các phong hiệu này đều do quan viên Nội các hoặc bộ Lễ soạn, mỗi phong hiệu sẽ được chọn từ 3 chữ Hán và 3 nghĩa chữ Mãn do Hoàng đế tự quyết định, đây đều là các chữ mang ý cát tường, đem đến may mắn cho hậu cung nên đều có ý nghĩa thiên về mỹ đức. Có một vấn đề về phong hiệu, chính là âm Mãn đôi khi có trùng nhau. Ví dụ Hoa phi Hầu Giai thị của Thanh Nhân Tông, sau khi qua đời, các Nha môn khi làm bài vị phát hiện phong hiệu "Hoa" của bà ban đầu Mãn văn là 「Yangsangga」, ý là "Tiếu lệ", cùng phong hiệu của Tề phi Lý thị cũng có Mãn văn tương tự, nên dâng Tấu lên hỏi Nhân Tông có cần xem xét để thay đổi không. Tuy rằng Nhân Tông phê rằng "Không cần để ý", nhưng cuối cùng vẫn cho đổi thành 「Gincihiyan」, ý rằng "Tú mỹ". Tuy nhiên, đời Thanh về sau vẫn xem chuyện này không có gì to tát mà tránh né, vì như Trân phi có phong hiệu âm Mãn là 「Ujengge」, lặp lại Mãn văn với Trang phi Vương Giai thị của Nhân Tông mà cũng không thay đổi. Sau khi qua đời, trừ Hoàng quý phi, còn Quý phi trở xuống đều lấy phong hiệu xem như thụy hiệu (xem Nghi tầnTuân tần).

Khác với tước Tần trở lên, từ Quý nhân trở xuống được gọi bằng 「Xưng hiệu; 稱號」. Khái niệm này khác với phong hiệu, bởi vì một khi chọn phong hiệu là do Hoàng đế tự chọn, do bộ Lễ xem ý nghĩa mà soạn ra, có chữ Hán lẫn âm Mãn, trong khi đó "Xưng hiệu" chỉ tồn tại dạng phiên âm tiếng Mãn, mà chữ phiên âm ấy phần nhiều là tên chữ đầu của người cha, âm khác của dòng dõi hay bản thân tên riêng của vị Hậu phi ấy. Từ Quý nhân trở xuống, Hậu phi về cơ bản không đủ tư cách làm Lễ sách phong, không có áo mũ, nên cũng không có phong hiệu. Có trường hợp phong hiệu lại lấy từ xưng hiệu, ví dụ có Hiếu Toàn Thành Hoàng hậu với xưng hiệu cũng là "Toàn", sau giải nghĩa Mãn và dùng làm phong hiệu. Hoặc còn có Ân tần Ô Nhã thị, phong hiệu "Ân" của bà là lấy từ xưng hiệu [En] trước đó, về sau giải nghĩa Mãn và dùng làm phong hiệu luôn.

Ngoài ra, khi hậu cung chủ vị qua đời, do thân phận cùng bối cảnh đặc biệt mà từ ngữ Hán văn để mô tả cũng không bình thường, mà phải biểu thị rõ thân phận thuộc hoàng cung của mình, cũng như trong văn bản không thể xuất hiện các loại chữ ý nghĩa xấu. Trong khi Hoàng hậu với Hoàng đế đồng dạng, đều được dùng 「Băng thệ; 崩逝」, thì phi tần đều chỉ dùng 「Hoăng; 薨」, ngoài ra còn một số từ khác nữa như 「Mộng du; 夢遊」 hay 「Thoát thệ; 脫逝」.

Các thân phận khác

Dù thời Khang Hi đã lập ra "Bát đẳng Hậu phi", nhưng trong hồ sơ hậu cung triều Thanh vẫn thường xuyên xuất hiện những danh xưng khác hẳn vượt ra khỏi quy chế hậu cung. Những danh xưng này thường ám chỉ đến các hạng Thị thiếp không chính thức trong hậu cung, còn được gọi chung chung là Thứ phi hoặc Cung nhân. Những danh vị này gồm:「Đại Đáp ứng; 大答應」, 「Tiểu Đáp ứng; 小答應」, 「Cách cách; 格格」 và 「Học sinh; 學生」.

Những "Đại Đáp ứng" cùng "Tiểu Đáp ứng" đều thuộc dạng cung nữ đặc biệt, từng cùng thuộc bậc Đáp ứng hàng thấp nhất. Trong khi Đại Đáp ứng có tư cách xuất hiện trong hồ sơ phân vị, thậm chí có thể được an táng vào Phi viên tẩm, thì Tiểu Đáp ứng không được đãi ngộ này. Còn hạng "Cách cách" cùng "Học sinh", địa vị của họ tạm thời không tra rõ được, chỉ biết đến tận thời Càn Long vẫn có những vị Cách cách cùng Học sinh, như Hoắc Cách cách (霍格格), Phượng Học sinh (鳳學生) cùng Học sinh Kim Quan (金官), họ đều trú tại Ninh Thọ cung. Sau triều Càn Long, cung đình triều Thanh không còn những danh vị này nữa, những ai chưa được sủng hạnh cũng được thả ra khỏi cung[12].

Ngoài ra, từ thời Ung Chính, có xưng hô 「Quan nữ tử; 官女子」, cũng gọi 「Cung nữ tử; 宫女子」, đây thực chất là cách gọi các cung nữ trong cung đình nói chung, bởi vì các cung nữ được Hoàng đế sủng hạnh cũng dùng danh xưng này nên hay bị nhầm thành một thứ bậc hậu cung. Do ảnh hưởng của Chân Hoàn truyện, "Quan nữ tử" từng bị nhầm là một vị hiệu chính thức của hàng phi tần. Thế nhưng căn cứ vào hồ sơ ghi lại, trừ bỏ các cung nữ được Hoàng đế thụ sủng, thì cũng chỉ có phi tần bị biếm xuống làm "Quan nữ tử", chưa từng thấy việc Hậu phi hoặc cung nữ được sủng hạnh lại được thụ phong danh vị này, có thể thấy đây là dạng danh xưng chứ không phải vị hiệu trong hậu cung. Các vị Hoàng tử khi chưa phân phủ còn ở trong cung, ngẫu nhiên cũng được ban thưởng Thị tỳ xuất thân từ cung nữ để hầu hạ, làm nhiệm vụ "Thông phòng" giúp Hoàng tử giải quyết nhu cầu sinh lý trước khi cưới vợ, và những người này cũng được gọi là Quan nữ tử[13]. Nếu vị Hoàng tử tương lai làm Hoàng đế, vị "Quan nữ tử" ấy cũng có tư cách được vào hàng Phi tần chính thức trong hậu cung. Ví dụ cho chuyện này có Tề phi Lý thị của Thanh Thế Tông; Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao thị, Triết Mẫn Hoàng quý phi Phú Sát thị và Nghi tần Hoàng thị của Thanh Cao Tông; cùng Hòa phi Na Lạp thị của Thanh Tuyên Tông.